Review phim truyền hình Việt Nam Miền đất Phúc-ký ức tuổi thơ với Lương Thế Thành và Nguyệt Ánh – Sách hay nên đọc

Review phim truyền hình Việt Nam Miền đất Phúc-ký ức tuổi thơ với Lương Thế Thành và Nguyệt Ánh – Sách hay nên đọc

Rate this post

Năm 2005, lúc ấy mình còn học THCS, hàng ngày đi học về là chạy ù về để kịp giờ chiếu phim Miền Đất phúc. Không nhớ rõ là chiếu trên đài nào, nhưng trong suốt những năm mình học THCS, bộ phim này được chiếu đi chiếu lại rất nhiều lần, và hầu như mình không bao giờ bỏ sót. Mình tin chắc các bạn thế hệ 8x, 9x cũng không xa lạ gì với bộ phim này và không ít người từng và vẫn yêu thích như mình. Hôm nay mình sẽ review lại nội dung phim Miền đất phúc, mọi người cùng mình ôn lại kỷ niệm tuổi thơ nhé

Võ Thanh Hòa đóng vai Phúc lúc nhỏ
Võ Thanh Hòa đóng vai Phúc lúc nhỏ

Thông tin phim Miền đất phúc

  • Đạo diễn: Đinh Đức Liêm

  • Biên kịch: Khưu Ngọc

  • Diễn viên: Võ Thanh Hòa-Lương Thế Thành (vai Phúc); Ngọc Giàu-Nguyệt Ánh (vai Thủy Trúc); Minh Quyền-Thanh Phương (vai Lợi); Lệ Quyên-Hoàng Chiêu Quân (vai Ngọc); Ngọc Trinh-Lâm Ánh Ngọc (vai Phượng); Phước Hải-Ngọc Thảo (vai Sinh); NSƯT Minh Sang – ông Diệp, Hồng Hạnh – bà Diệp, NSƯT Thanh Vy – bà Diệp (phần 4), NSƯT Hoa Hạ – bà Từ Ngũ, Quang Minh – ông Từ Ngũ, Phước Sang – Sáu Tỷ, Kim Thư – vợ Sáu Tỷ, Lý Thanh Thảo – chị Thảo bán vải

  • Năm phát sóng: 2005, 2007

Phần 1: Thời thơ ấu của Phúc-Lợi-Thủy Trúc và Ngọc

Phim mở đầu khi Phúc còn nhỏ. Lấy bối cảnh một làng gốm cổ truyền ở Bình Dương những năm trước giải phóng. Nhà nghèo, cha mẹ cật lực kiếm tiền chỉ đủ nuôi 4 miệng ăn và trong hai đứa con chỉ có thể cho một đứa đến trường nên Phúc ở nhà phụ giúp cha mẹ, nhường phần đến trường cho đứa em trai là Lợi.

Trong lúc cha Phúc-Chú Diệp sức khỏe ngày càng suy kiệt vì bệnh đau lưng mỗi lúc một trầm trọng, gánh nặng gia đình dần chuyển sang đôi vai Phúc, cậu bé chưa đầy 14 tuổi nhưng vô cùng hiểu chuyện, biết lo lắng, sẻ chia với cha mẹ mình.

Lúc này, gia đình ông Từ Ngũ, một người bụng đầy chữ nghĩa, sống giàu sang nhưng qua một cơn hỏa hoạn thì trắng tay, chỉ còn cách tìm đến làng gốm nương nhờ nhà ông Diệp. Dù gia cảnh khó khăn, nhưng vợ chồng ông Diệp vẫn cưu mang bạn với tất cả lòng nhân ái của mình mặc dù cho chú Ngũ có nhu nhược, để cho vợ và con trai là thằng Tày làm đủ mọi điều xấu xa, phá làng phá xóm, thậm chí hãm hại gia đình ông Diệp, người đã giang rộng tay cứu lấy mình.

So với Lợi được tất cả mọi yêu thương và ưu tiên, Phúc tự nhận hết về mình những phần thua thiệt. Tuy phải nghỉ học sớm, nhưng Phúc vô cùng ham học và cầu tiến. Cha mẹ cậu bấm bụng cho con quay lại trường học, với mong mỏi con đi học mở mang thêm kiến thức, vực dậy nghề gốm của gia đình.

Ở trường, Phúc chơi thân với nhóm bạn Sinh, Ngọc, Thủy Trúc. Lợi thì có cô bé hàng xóm nhà giàu tên Phượng (con Sáu Tỷ) rất yêu mến. Bọn trẻ cùng nhau học hành, vui chơi, sáng tạo những hình vẽ trên gốm để giúp đỡ Phúc. Nhờ vậy, mọi người phát hiện ra Ngọc, một cô bé có tính cách mạnh mẽ lại vô cùng khéo tay và có duyên với nghề gốm. Cuộc sống dù gian khổ, nhưng những đứa trẻ vẫn hồn nhiên,trong sáng và vô cùng đáng yêu với tình bạn đẹp của mình

Vì là trẻ con, dù có là ông cụ non đi nữa. Phúc vẫn không thể thoát khỏi cảnh bị người ta lừa gạt trong làm ăn mua bán vì cậu quá tin người. Sự tin người của Phúc đẩy gia đình vào hoàn cảnh khốn cùng khiến mẹ cậu phải bán cặp bông tai kỷ niệm ngày cưới của mình để đưa gia đình qua cơn gian khó.Vấp phải nhiều khó khăn, gian khổ trong tuổi niên thiếu, Phúc ngày một chững chạc hơn, cậu cũng nhìn xa trông rộng hơn lứa tuổi của mình rất nhiều. Tất cả những điều này tạo tiền đề cho Phúc xây dựng nên một sự nghiệp rực rỡ cho bản thân mình với tâm tính luôn tiến về phía trước, thắng không kiêu, bại không nản.

Gia đình Phúc lúc ông Diệp còn sống
Gia đình Phúc lúc ông Diệp còn sống

Phần 2: Cuộc sống mưu sinh và tình yêu đôi lứa của Phúc và Lợi

Khi còn nhỏ, khán giả đã mập mờ nhận ra được Sinh và Phúc có tình cảm với Thủy Trúc. Còn Lợi trong khi Phượng luôn quan tâm cậu thì Lợi lại cảm mến Ngọc, Tày thì lúc nào cũng chọc ghẹo để Ngọc phải cho cậu ta ăn roi ngựa.

Khi những đứa trẻ lớn lên, dần hình thành một cách rõ rệt những tính cách đã nhìn thấy từ nhỏ. Duy chỉ có Phượng là thay đổi nhiều nhất, từ 1 cô bé đáng yêu trở thành một người con gái lẳng lơ, ham chưng diện (vì mẹ cô tự vẫn mất sớm, cha cắm đầu lo làm ăn nên không có ai dạy dỗ Phượng nên người).

Nối tiếp những bước chân ngày nhỏ, Phúc khi lớn lên Càng ý thức rõ trách nhiệm gánh vác gia đình của mình. Để học những kỹ thuật tiên tiến của ngành gốm, Phúc xin vào làm thợ tại lò gốm Hào Phát (với sự giúp đỡ của Mỹ Lệ-cô chủ lò Hào Phát), lò gốm lớn và uy tín nhất vùng tại thời điểm đó. 

Nhưng cũng chính vì  “không may” lọt vào mắt xanh của Mỹ Lệ mà Phúc phải chịu không ít khổ sở. Không chiếm được tình cảm của Phúc, cô ta vu oan cho anh tư thông với chị dâu của Mỹ Lệ (Gấm-vợ Hứa Tuyền). Bị vu oan, sỉ nhục Phúc và cô Gấm (vợ Hứa Tuyền) đều rời khỏi lò Hào Phát.

Quay về, với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, Phúc bắt tay vào gầy dựng lại lò gốm nhà mình. Với tính cách lương thiện, trượng nghĩa, Phúc lấy được sự tin tưởng của người nắm giữ cách pha chế men màu lò Hào Phát, ông truyền công thức lại cho Phúc, giúp anh chính thức trở thành đối thủ đáng gờm của Hào Phát khi hầu như những mối làm ăn lớn của lò đối thủ đều tìm đến Phúc không chỉ vì chất lượng sản phẩm mà còn bởi sự uy tín, tính cách thật thà, thẳng thắn của Phúc trong kinh doanh.

Phuc và Thủy Trúc lúc lớn
Phuc và Thủy Trúc lúc lớn

Tình cảm của Phúc và Thủy Trúc cũng ngày càng sâu đậm, vượt qua bao nhiêu khó khăn, sự phản đối của hai người cha, họ cũng đến được với nhau với một đám cưới hoành tráng vang dậy khắp một vùng.

Trong khi Phúc ngày càng thành công và hạnh phúc bên Thủy Trúc thì Lợi, cậu em có tính cách ương bướng khó chịu của Phúc chìm đắm trong tình yêu đơn phương với Ngọc. Còn Ngọc, vì quá tin tưởng bạn, cô bị Phượng  thông đồng với chồng là sĩ quan quốc gia, muốn làm nhục con cháu nhà cách mạng nên bày kế để Tày cưỡng bức cô khi Ngọc say bất tỉnh mà không hay biết chuyện gì xảy ra, hậu quả là khiến cho Ngọc mang thai mà không hề hay biết.

Vì có tình cảm với Ngọc nên Tày nói mẹ mình là bà Từ Ngũ sang hỏi cưới Ngọc nhưng cô và gia đình từ chối. Cũng vì yêu Ngọc, Lợi nguyện đứng ra nhận đứa con trong bụng Ngọc là con mình, dù biết rằng cô bị Tày phá dời con gái, nhưng Lợi vẫn yêu thương Ngọc hết mực quyết cưới cô làm vợ dù cho bà Diệp-mẹ của anh ra sức cấm cản vì bà không thể chấp nhận một đứa con dâu chưa bước vào nhà chồng đã bụng mang dạ chửa.

Gian khổ không thắng được tình người, tình yêu chân thành

Sau khi hai anh em Phúc Lợi đều có gia gia đình yên ấm, thì chính quyền cũ bị lật đổ, miền Nam được giải phóng. Tuy nhiên, với tư tưởng đánh tư sản của chính quyền mới khiến lò Phúc Sinh thịnh vượng bậc nhất vùng của Phúc phải điêu đứng. Vợ chồng anh phải tạm thời đóng lò vì không chấp nhận được việc bỏ của bỏ công ra làm cho người khác hưởng.

Hai vợ chồng Phúc đồng lòng chăn nuôi, trồng trọt tiết kiệm sống qua ngày, chờ tình hình thay đổi. Trong khi đó, Lợi chán nản vì bị Ngọc lạnh nhạt mà quyết định mượn tiền Phúc vượt biên, ôm giấc mộng đặt chân lên đất Mỹ, quyết đổi đời.

Lợi đi rồi, Ngọc mới nhận ra cô yêu chồng rất nhiều, nhưng với mặc cảm bị người khác làm nhục, Ngọc rất sợ gần gũi đàn ông chứ không phải cố tình lạnh nhạt với anh. Lúc này, Ngọc đã mang trong mình đứa con của Lợi, một mình cô ở lại nuôi con đợi chồng, sự chung thủy và chịu thương chịu khó của Ngọc đã phá tan trái tim sắt đá của bà Diệp, lúc trước bà cay nghiệt với Ngọc bao nhiêu, thì giờ đây yêu thương và sót cho số phận long đong của con dâu mình bấy nhiêu.

Ở Mỹ, trải qua biết bao gian khổ và cạm bẫy, nghe lời người bạn tốt quen biết lúc cùng nhau vượt biên, Lợi cố gắng làm đủ mọi nghề để sống và học tập, lấy được bằng kỹ sư, trong lúc anh khổ sở nhất, vẫn không quên gửi tiền về cho vợ, cho con.

Giai phóng 15 năm, Phúc mới chờ được cơ hội vực dậy nghề gốm truyền thống của gia đình. Lúc đó, Lợi cũng quyết định quay về với vợ con, làm lại từ đầu. Cả gia đình đoàn tụ với nhau với bao nhiêu ước mơ, kế hoạch được đặt ra trên miền đất Phúc đã nuôi họ lớn khôn.

Không chỉ là một bộ phim giải trí

Miền đất Phúc không chỉ là một bộ phim để giải trí, mà còn là lịch sử, nền văn hóa, cuộc sống củ người dân làm gốm dù qua bao thăng trầm, mưa bom bão đạn vẫn không buông bỏ nghề gia truyền của mình.

Phúc-nhân vật chính của phim từ nhỏ đã ý thức được trách nhiệm của bản thân, yêu thương cha mẹ, yêu cái nghề mà tổ tiên để lại đã nuôi cậu khôn lớn nên người. Có lúc khổ đến mức phải buông bỏ, làm thuê, làm mướn, chuyển hẳn sang làm nông để kiếm sống, nhưng chưa lúc nào Phúc nguôi ngoai giấc mộng gốm sứ của mình, với những gì mà anh đã hứa với người cha tần tảo lúc ông qua đời.

Bên cạnh câu chuyện xây giấc mộng của Phúc, là những câu chuyện tình yêu thật đẹp, tình người sâu sắc như chuyện tình của Phúc và Thủy Trúc, Lợi và Ngọc. Tình người  làng gốm cưu mang, đùm bọc lẫn nhau.

Tầng tầng lớp lớp ý nghĩa nhưng dễ cảm, có lẽ vì vậy mà suốt bao nhiêu năm, cảm giác khi xem lại bộ phim Miền đất Phúc vẫn không thay đổi, rung động nhẹ nhàng và ngọt ngào như thế.

Chúc các bạn xem phim vui vẻ nhé!

158 views

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *